Nghị lực phi thường của chàng trai bị bại liệt

Bị bại liệt 9 năm trước sau một lần trèo cây té ngã, nhưng với nghị lực phi thường, yêu cuộc sống, anh đã tự mình vươn lên bệnh tật, ngậm bút tập làm thơ, vẽ tranh để cuộc đời trở nên có ích.

Ngôi nhà nhỏ của chàng trai Phạm Sỹ Long ở xóm 3, xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh nằm khuất sâu sau con ngõ với những rặng tre già rủ bóng.

Nằm bất động trên chiếc giường cũ kỹ, Long bắt đầu kể về những tháng ngày bất hạnh sau tai nạn khủng khiếp. Sinh năm 1988 trong một gia đình nông dân chất phác, lớn lên, ngoài buổi đi học, Long ở nhà phụ giúp mẹ việc nhà, thi thoảng lại ra đồng chăn trâu, phụ việc đồng áng.

Long ngậm bút nắn nót viết thơ khi nằm liệt trên giường. Ảnh: Hoàng Anh.

Một ngày đầu tháng 9 năm 2003, trong lúc đi chăn trâu giúp mẹ, Long trèo lên cây phi lao để chơi đùa thì không may cành cây gãy, cậu bé 15 tuổi rơi từ trên cây xuống. Sau cú ngã định mệnh ấy, Long bị gãy mất 2 đốt sống cổ, chèn tủy. Gia đình nghèo không có tiền chạy chữa kịp thời, thuốc thang đầy đủ nên Long đã bị bại liệt toàn thân, mất cảm giác từ 2 vai trở xuống. Cũng từ đó, cuộc đời cậu rẽ sang một ngả khác, một ngã rẽ mịt mờ cho tương lai trai trẻ chỉ vì một sơ suất nhỏ.

Gần 9 năm qua, Long đã phải sống một cuộc sống khổ sở khi tứ chi teo tóp, toàn thân bị bại liệt. Cậu chỉ nằm một chỗ, đến việc vệ sinh cá nhân cũng phải nhờ mẹ giúp. Cứ khoảng 2 ngày thì Long lại ngồi xe lăn để đi dạo cho đỡ mỏi, nhưng cũng chỉ ngồi được khoảng 3 tiếng rồi lại phải nằm vì cả người đau.

Gạt dòng nước mắt tủi thân, bà Trần Thị Hà (53 tuổi), mẹ của Long rưng rưng nói: “Đã gần 9 năm kể từ ngày thằng Long nó bị ngã, hằng ngày tui luôn phải canh chừng nó, lo cho nó từng bữa ăn đến giấc ngủ rồi vệ sinh cá nhân. Nhiều đêm lo lắng cho con, tui lại dậy ngồi bên giường của nó, canh chừng nó ngủ. Rồi thỉnh thoảng, 2 đến 3 tiếng lại trở mình cho nó không nó lại đau mỏi không ngủ được”.

Mọi sinh hoạt cá nhân của anh đều do người mẹ hỗ trợ. Ảnh: Hoàng Anh.
Mọi sinh hoạt cá nhân của anh đều do người mẹ hỗ trợ. Ảnh: Hoàng Anh.

Long là con trai duy nhất trong 4 anh chị em. Ngoài hai chị gái đầu đã có gia đình, còn cô em gái út vì cuộc sống gia đình khốn khó đã phải nghỉ học để đi kiếm tiền phụ bố mẹ nuôi anh. Tất cả gia đình giờ cũng chỉ trông vào mấy sào ruộng và đôi đồng làm thêm của bố và người em gái.

Nằm một chỗ như thế, nhiều lúc Long chỉ muốn buông xuôi tất cả để bố mẹ không còn phải lo lắng, khổ sở vì mình nữa. Nhưng rồi sự an ủi, tình yêu của bố mẹ và người thân đã kéo cậu trở lại với cuộc sống.

Đầu năm 2009, trong một lần chị họ chuẩn bị đám cưới, Long suy nghĩ phải làm gì để tặng quà cưới cho chị. Rồi cậu quyết định vẽ một tấm thiệp. Long bảo mẹ lấy cho mình một tấm thiệp có hình đôi bồ câu uyên ương, rồi mua một quyển vở, một cái bút để tập vẽ. Ngậm chặt cây bút trong miệng, Long bắt đầu chăm chú, chầm chậm đưa từng nét. Hơn một tuần trời, không biết bao nhiêu tờ giấy bị bỏ đi. Gần mười ngày khổ luyện, cuối cùng hình vẽ 2 con chim bồ câu dành tặng cho chị cũng đã được hoàn thiện. Cậu vui sướng và từ đó bắt đầu nung nấu ý định tập vẽ, làm thơ bằng miệng để cuộc đời của mình thêm phần ý nghĩa.

Thời gian đầu tập viết chữ, miệng đôi khi đau nhức, cổ mỏi rã rời vì phải nằm nghiêng về một phía, nhưng Long không nản. Những nét vẽ dần dần đã trau chuốt, sạch đẹp hơn, chữ viết cũng dần dần gọn gàng và rõ nét.

Một bức vẽ giản dị của Long. Ảnh: Hoàng Anh.
Một bức vẽ giản dị của Long. Ảnh: Hoàng Anh.

Anh Trịnh Xuân Huấn, người bạn thân thiết với Long từ bé, vui mừng chia sẻ: “Thấy Long khó khăn, miệt mài tập luyện, em cũng mấy đứa bạn đã ủng hộ nhiệt tình để Long có thêm tinh thần tập luyện. Được thấy bạn ấy thành công như ngày hôm nay, em và mọi người thấy rất vui vì cuối cùng Long cũng đã làm được những việc có ích cho số phận không may mắn của mình”.

Vẽ và viết đã trở thành niềm vui trong cuộc sống của Long. Sau 3 năm, anh có được hơn 50 bức tranh về thiên nhiên hoa lá và sáng tác hơn 40 bài thơ về tình yêu, tình thương cuộc sống. Anh còn thay lời, cải biên và sáng tác hàng chục bài hát để thi thoảng đem ra hát cho cả nhà cùng thưởng thức.

“Vẽ tranh thì nó bảo tui lấy đĩa, hay cốc có hình hoa lá ra làm mẫu, rồi nhiều đêm nằm ngủ nghĩ ra được câu thơ nào là sáng mai ra lại bắt mẹ dọn bút, vở để viết luôn. Được bài thơ nào là nó lại bảo tui đi ép plastic rồi cất cẩn thậń. Cũng khổ với nó lắm, nhưng từ khi thấy nó hàng ngày vẽ tranh, làm thơ, tinh thần của nó phấn khởi, vui vẻ hơn là tui mừng lắm rồi”, người mẹ chia sẻ.

Hầu hết thơ của Long rất dễ đọc, dễ nhớ, sâu sắc và thấm đẫm ý nghĩa về sự trân trọng cuộc sống.

“Nhiều bữa tập viết mà cái miệng với cái cổ đau lắm, như muốn rời hẳn ra. Hai chân và tay thì cứ run bần bật làm tôi khó có thể viết được thành chữ, thành hàng rõ nét. Nhưng tôi nghe nhiều người bảo: trời lấy đi của ta cái này thì trời lại cho ta một khả năng khác. Chỉ cần có ý chí, quyết tâm thì dù mình có là người bị tàn tật thì cũng có thể thành công, và cuối cùng thì tôi cũng đã làm được”, nằm bẹp trên chiếc giường, cười với niềm vui sướng, Long chia sẻ.

Anh mong một ngày nào đó, môt phép nhiệm màu sẽ giúp anh xuất bản tất cả thành một cuốn sách. Để anh có thể kiếm tiền dựa vào chính ngòi bút và năng lực của bản thân.

Theo thaythuoccuaban.com
Nếu bạn hoặc người thân đang gặp vấn đề sức khỏe, hoặc muốn được tư vấn về bệnh, về chế độ ăn uống, có thể liên hệ trực tiếp theo Hotline: 18006834 (Miễn Phí)

Share this post:

Recent Posts

Bạn hãy để lại số điện thoại trong nội dung hỏi đáp để chúng tôi có thể tư vấn trực tiếp cho bạn