Mùa hè nắng nóng, bơi lội là nhu cầu của nhiều người. Nếu như ở vùng nông thôn mọi người thường bơi, tắm ở các ao, hồ, sông suối, thì ở thành thị mọi người thường tập trung ở các bể bơi. Nhiều người lo sợ đi bơi sẽ dễ mắc các bệnh về mắt, tai, mũi họng, bệnh ngoài da… Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ cùng các bạn những kiến thức cần thiết khi đi bơi, và cách phòng ngừa các bệnh thường gặp phải khi đi bơi.
Nước bể bơi và thành phần hóa học tác động xấu tới cơ thể
Bể bơi (nhất là bể ngoài trời) được coi là nơi dễ bị ô nhiễm nhất. Những bể dạng này thường xuyên tiếp xúc với môi trường bên ngoài, dễ bị nhiễm khuẩn bởi bụi bẩn, các loại vi trùng, tảo bào tử trong nước mưa, phân chim… Ngoài ra, nguồn thải ô nhiễm ra bể bơi còn bao gồm các vi sinh vật, lượng dầu bài tiết trên cơ thể người đi bơi như mồ hôi, mỹ phẩm, kem chống nắng, nước tiểu, nước bọt…
Do đó, nước bể bơi bắt buộc phải được xử lý hóa học trước khi đưa vào sử dụng. Thành phần không thể thiếu trong nước bể bơi thường bao gồm clo. Đây là hóa chất dùng để khử trùng, tiêu diệt các thành phần gây ô nhiễm nước bể bơi. Clo được sử dụng dưới 2 dạng chủ yếu là calcium hypochlorite (rắn) và sodium hypochlorite (lỏng). Hai hợp chất này tác dụng với nước tạo thành axit hypochlorous. Axit này giết chết vi khuẩn và các mầm bệnh bằng cách phá vỡ màng lipid, tiêu diệt enzyme và ấu trùng bên trong tế bào vi khuẩn thông qua phản ứng oxy hóa.
Tuy nhiên, axit hypochlorous rất dễ bị phân hủy khi tiếp xúc với tia cực tím từ ánh sáng mặt trời. Vì vậy, để đảm bảo hiệu quả trong việc xử lý nước, người ta thường cho thêm axit cyanuric, phản ứng với clo tự do trong axit hypochlorous tạo nên hợp chất ổn định hơn.
Cuối cùng, để duy trì sự cân bằng độ pH của nước bể, cần sử dụng các hóa chất có tính kiềm như sodium carbonate hoặc sodium bicarbonate và hóa chất làm xanh cho nước bể bơi.
Nước bể bơi không đạt tiêu chuẩn được xem là hung thần cho sức khỏe con người. Đặc biệt, clo được sử dụng với lượng lớn có thể gây rất nhiều nguy hiểm cho người bơi. Tại các bể bơi trong nhà, clo thừa trong nước không thể thoát ra dễ gây kích ứng hệ hô hấp của người bơi nếu hít phải quá nhiều.
Cách nhận biết nước bể bơi an toàn hay không
Nếu bể bơi có mùi clo gây sốc đặc trưng khiến mọi người cảm thấy khó chịu khi ngửi thấy thì có nghĩa là nước trong bể đã không được xử lý tốt.
Khi màu nước trong tự nhiên, nhìn thấy rõ đáy bể, có màu xanh vừa phải, không có vẩn đục hay vật thể lạ là bể bơi đạt tiêu chuẩn. Nếu bể có màu xanh bất thường (khác với màu trời) thì cần cảnh giác.
Con người cũng là một trong những tác nhân khiến bể bơi nhiễm độc. Vì vậy, nếu số lượng người xuống bể bơi quá đông, máy lọc nước tại bể sẽ không thể lọc kịp để loại bỏ các độc tố.
Bệnh thường gặp khi đi bơi
Bệnh đau mắt đỏ (còn gọi là viêm kết mạc): là căn bệnh gặp phổ biến nhất khi bơi lội, nhất là khi hồ bơi quá tải, tình trạng xử lý nước hồ bơi không đạt vệ sinh. Biểu hiện của bệnh là xuất hiện mắt đỏ, ra gỉ nhiều, ngứa, chảy nước mắt… Nguyên nhân gây ra bệnh một phần xuất phát từ việc nhiễm khuẩn trong nước hồ bơi, phần còn lại là lây chéo từ những người đã mắc sẵn các bệnh lý về mắt trước đó. Nhiều bể bơi lạm dụng hóa chất còn làm cho người bơi dễ mắc chứng khác về mắt như: khô mắt, đỏ mắt.
Bệnh ngoài da: Khi bơi lội, thân thể dễ va chạm và bị xây xước nhẹ. Đây là điều kiện rất tốt để các virut, nấm mốc, bệnh ngoài da… xâm nhập và tấn công cơ thể. Phổ biến nhất là bị u mềm lây với triệu chứng là những nốt gồ lên nổi trên da, đỉnh của những nốt này có vết lõm xuống và lan dần ra như mụn cóc. Bệnh do vi nấm cũng thường gặp với các chứng bệnh hắc lào, nấm móng, nấm tóc, lang ben. Bệnh nhân thường xuất hiện các triệu chứng ngứa, viêm loét tại các vị trí thương tổn. Chất sát khuẩn trong nước gây viêm da tiếp xúc dị ứng với triệu chứng là da khô và bong tróc.
Bệnh viêm mũi, tai: Do bị nước lọt vào tai, nhất là nguồn nước ô nhiễm chứa nhiều vi khuẩn gây các bệnh viêm tai, mũi. Khi thấy tai, mũi có hiện tượng đau, ngứa, chảy nước, sốt nhẹ, phải ngừng bơi và đến gặp bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để được khám và điều trị.
Bệnh phụ khoa: Các tác nhân gây bệnh trong nước bể bơi dễ xâm nhập cơ thể gây nhiễm nấm, viêm nhiễm đường sinh dục, nhất là với các bé gái và phụ nữ.
Bệnh hen: Có thể xảy ra khi đi bơi nhiều. Thủ phạm chính là các chất hóa học được sử dụng trong nước bể bơi xâm nhập đường hô hấp và kích hoạt các cơn hen.
Môi trường nước bể bơi cũng dễ lây một số bệnh truyền nhiễm khác như bệnh tay – chân – miệng, bệnh đau mắt hột, viêm đường tiết niệu, tiêu chảy. Tóc cũng sẽ trở nên khô xơ và cứng bởi các chất hóa học lọc nước như: ôxít đồng, muối nhôm, clo…
Cần chuẩn bị những gì để bảo vệ bản thân khi đi bơi?
Trang bị kính bơi: Bể bơi là nơi có rất nhiều hóa chất, các chất thải, chất bẩn gây hại cho cơ thể. Vì thế, ngoài đồ bơi chất liệu tốt, chúng ta cũng nên trang bị các phương tiện bảo hộ như kính, mũ bơi… để bảo vệ cho các vùng nhạy cảm trên cơ thể, nhất là đôi mắt, tránh ảnh hưởng xấu và các bệnh tật gây hại.
Thoa kem chống nắng: Với kiểu bể bơi được thiết kế trong nhà, có thể thoa kem chống nắng với độ SPF ở mức 15 bởi ánh nắng mặt trời vẫn có khả năng xuyên qua cửa kính và tác động đến da. Khi bơi ngoài trời, cho dù trời không nắng vẫn nên thoa kem chống nắng để bảo vệ da. Hãy chọn loại kem chống nắng không thấm nước, có độ SPF ở mức 30. Mức SPF cao hơn sẽ khó thẩm thấu vào da khiến da dễ bị khô.
Vệ sinh cá nhân sạch sẽ sau khi bơi: Sau khi bơi, nên tắm lại bằng nước sạch rồi lau khô và dùng bông tai thấm khô nước trong tai, rửa mắt, mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý. Vệ sinh sạch sẽ vùng kín bằng các dung dịch vệ sinh có hoạt tính dịu nhẹ. Lưu ý, phụ nữ trước và trong kỳ “đèn đỏ” hay đang điều trị viêm nhiễm phụ khoa thì không nên đi bơi.
Theo Phòng khám Đông y gia truyền Nguyễn Hữu Toàn.
Nếu các bạn gặp vấn đề hãy liên hệ ngay hotline : 18006834 ( Miễn Phí )
Để được các tư vấn trực tiếp.
Hỏi đáp trực tuyến