Dị ứng thức ăn là một phản ứng không bình thường gây ra bởi hệ miễn dịch của cơ thể. Những thực phẩm gây nên dị ứng thường hay gặp nhất là trứng gà, cá, sữa bò, các loại hạt, hải sản… do các thực phẩm này có tính dị nguyên cao.
Ngoài những đặc tính vốn có của thực phẩm thì quá trình chế biến, bảo quản cũng là những yếu tố gây nên dị nguyên thức ăn. Những người có cơ địa mẫn cảm hoặc hệ miễn dịch kém là đối tượng dễ bị dị ứng do dị nguyên thực phẩm. Ngoài ra dị ứng thức ăn có tỷ lệ mắc cao ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi.
1. Trứng
Dị ứng trứng phổ biến xảy ra ở trẻ em và hầu hết các bé sẽ thoát khỏi dị ứng khi lên 3 tuổi. Phần lớn các protein gây dị ứng trứng nằm trong lòng trắng trứng trong đó có ba loại chính là ovomucoid, ovalbumin và conalbumin.
Dị ứng trứng thường biểu hiện ra ngoài da (viêm da, nổi mề đay) và tiêu hóa (đau bụng, buồn nôn, nôn). Phản ứng ngoài da đầu tiên có thể xuất hiện chỉ vài phút sau khi dùng trứng, trong khi các biểu hiện tiêu hóa thường rất khác biệt về thời điểm xuất hiện, độ nặng và mức độ kéo dài. Thậm chí có trường hợp sau khi ăn trứng bị sốc phản vệ và phản ứng hô hấp (khó thở, ho, lên cơn hen).
2. Cá
Dị ứng cá có thể gây ra các phản ứng nghiêm trọng, bao gồm cả sốc phản vệ và thường gặp ở người trưởng thành, ở nơi người dân hay ăn cá. Người bị dị ứng hiếm khi tự thoát khỏi tình trạng này.
Thành phần gây dị ứng chủ yếu ở tất cả các loài cá là protein parvalbumin. Do đó, những người phản ứng với một loại cá thường cũng dị ứng với các loài cá khác. Nhiệt độ cao trong khi nấu không làm phá hủy các parvalbumin. Chính vì vậy, cách duy nhất để không bị dị ứng đó là hạn chế ăn loại thực phẩm này.
3. Sữa bò
Dị ứng sữa bò là một dạng dị ứng thường gặp nhất ở trẻ em. Khoảng 2-7% các bé dưới 1 tuổi đều bị dị ứng với sữa bò. Dị ứng sữa bò liên quan tới phản ứng miễn dịch chống lại một trong hai hoặc cả hai protein của sữa là casein và protein huyết thanh (whey protein). Các protein này cũng có mặt trong sữa của động vật có vú khác, vì vậy bé dị ứng sữa bò thường cũng dị ứng với sữa dê, sữa cừu.
Dị ứng sữa bò thường gây ban đỏ, nổi mề đay, viêm da, chàm, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, hoặc khó thở, hen ngay trong giờ đầu sau khi sử dụng. Trường hợp dị ứng nặng có thể gây sốc phản vệ, nguy cơ tử vong cao. Dị ứng sữa bò làm tăng nguy cơ dị ứng với các thức ăn khác cũng như dị ứng ở mũi. Có tới 10% trẻ dị ứng sữa bò sẽ phản ứng với thịt bò.
4. Các loại hạt
Các loại hạt như hạt dẻ, hạt điều, hạnh nhân, óc chó, hạt dẻ cười, đậu phộng (lạc)… được coi là nhóm thực phẩm có tiềm năng gây dị ứng lớn nhất, nghĩa là chỉ cần một lượng rất nhỏ cũng đủ làm bạn bị dị ứng. Khoảng 0,5% dân số dị ứng với các hạt này, bệnh hiếm khi tự khỏi. Trẻ dị ứng với một loại hạt cây thường cũng sẽ dị ứng với các loại hạt cây khác và có thể dị ứng chéo với lạc. Dị ứng hạt điều được cho là nặng hơn dị ứng lạc.
Triệu chứng khi bị dị ứng, trường hợp nhẹ có thể nổi mẩn quanh miệng hoặc toàn thân, đau bụng, nôn. Trường hợp nặng hơn gây ho, thở khò khè, khó thở, khàn giọng do dị ứng đường hô hấp. Trường hợp rất nặng gây ngất, thậm chí là sốc phản vệ dẫn tới tử vong.
5. Hải sản
Tất cả các loại hải sản nói chung đều có thể gây dị ứng. Nhưng các loài như tôm, cua, ngao sò, mực dễ gây dị ứng hơn cả. Có hai dạng dị ứng, một là với các loài giáp xác như tôm, cua… hai là dị ứng với các loài nhuyễn thể như ngao, sò, hến… Các triệu chứng của dị ứng hải sản bao gồm sưng tấy cơ thể, thở khó, đau bụng, buồn nôn, chóng mặt…
Những người bị dị ứng với hải sản nên tránh xa khu vực chế biến hải sản vì khi hít phải hơi thức ăn loại này cũng có thể bị dị ứng. Thậm chí, dị ứng cũng xảy ra nếu dùng chung bát đĩa… đựng hải sản của người khác.
6. Đậu nành
Dị ứng đậu nành thường xảy ra khi chúng ta còn nhỏ và mất dần ở tuổi trưởng thành. Triệu chứng của dị ứng đậu nành cũng tương tự như dị ứng sữa bao gồm phát ban, tiêu chảy, nôn mửa, đau bụng và khó thở. Tuy nhiên hiếm có trường hợp dị ứng đậu nành gây sốc phản vệ.
Nhiều trường hợp dị ứng đậu nành cũng dễ có phản ứng với các loại thực phẩm như đậu xanh, lúa mạch đen và bột lúa mạch.
7. Lúa mì
Dị ứng với lúa mì cũng thay xảy ra ở trẻ em. Thường gặp trong các loại thực phẩm như: bia, mì, xì dầu… Nguyên nhân dị ứng lúa mì là do các trường hợp không dung nạp gluten hay hội chứng kém hấp thu gluten (bệnh Celiac). Không dung nạp gluten gây các triệu chứng đường ruột nặng nề, tuy nhiên không gây tổn thương ruột như trong bệnh Celiac. Gluten là một loại protein có trong lúa mì, yến mạch, lúa mạch, lúa mạch đen…
Tương tự như các loại dị ứng thực phẩm khác, nếu thấy cơ thể có phản ứng khi ăn lúa mì, bạn hãy đến gặp bác sĩ để nghe tư vấn và chọn cho mình một chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Theo Phòng khám Đông Y Nguyễn Hữu Toàn.
Nếu bạn hoặc người thân đang gặp vấn đề sức khỏe, hoặc muốn được tư vấn về bệnh, về chế độ ăn uống, có thể liên hệ trực tiếp theo Hotline: 18006834 (Miễn Phí)
Hỏi đáp trực tuyến