Ngưu bàng còn có tên gọi khác là đại đao, ác thực, hắc phong, thử niêm. Là cây thảo lớn, sống 2 năm, có thân thẳng, cao 1- 2 m, có khía và phân nhánh. Lá hình trái xoan, mọc thành hình hoa thị ở gốc và mọc so le ở trên thân, phiến lá to, rộng 50 cm, gốc lá hình tim, đầu tù hay nhọn, mép có răng cưa hay gợn sóng, có nhiều lông trắng ở mặt dưới. Hoa đỏ hay tím nhạt hợp thành đầu, to 3 – 4 cm, các lá của bao chung kéo dài thành mũi nhọn, có móc ở chóp. Quả bế, màu xám nâu có điểm hồng, có nhiều móc quặp, phía trên có một mào lông ngắn màu vàng.
Bộ phận dùng làm thuốc là ngưu bàng tử (quả chín phơi hay sấy khô) và ngưu bàng căn (là rễ thu hái vào mùa thu năm đầu hoặc mùa xuân năm thứ hai, phơi hay sấy khô ở 70 độ C).
Ngưu bàng tử có vị cay, đắng, tính hàn, có tác dụng trừ phong nhiệt, thanh nhiệt giải độc, thông phổi, làm mọc ban chẩn, tiêu thũng và sát trùng. Những người tỳ vị hư hàn, đại tiện lỏng không nên dùng.
Ngưu bàng căn có vị đắng, cay, tính hàn, có tác dụng lợi tiểu, khử lọc, làm ra mồ hôi, lợi mật nhuận tràng, hạ đường huyết, có tác dụng với một số bệnh ngoài da
Đông y dùng ngưu bàng tử để chữa cảm cúm, thông tiểu và chữa sốt, chữa sưng vú, cổ họng sưng đau, viêm phổi, viêm tai, thúc mụn nhọt tràng nhạc nhanh vỡ và khỏi. Liều dùng 6 – 12g dạng thuốc sắc, dùng riêng hay phối hợp với các thuốc khác.
Tây y dùng rễ (ngưu bàng căn) làm thuốc thông tiểu, ra mồ hôi, lọc máu khi bị tê thấp, sưng đau các khớp và bệnh ngoài da.
Một số đơn thuốc dùng ngưu bàng
Tán nhiệt, giải biểu: Các chứng cảm mạo phong nhiệt, toàn thân phát sốt, hơi sợ lạnh, miệng khát họng rát, ho, khạc ra đờm vàng.
Bài 1: Ngưu bàng tử 12g, bạc hà 6g, thuyền thoái 6g. Sắc uống. Trị các chứng bệnh trên.
Bài 2: Ngưu bàng tử 24g, kim ngân 40g, liên kiều 40g, cát cánh 24g, bạc hà 24g, cam thảo 20g, đạm đậu xị 20g, hoa kinh giới 16g, lá tre 4g. Tán bột, lấy 24g hãm với nước sôi để uống, ngày 3 – 4 lần tuỳ theo bệnh nặng nhẹ.
Thúc sởi, tống độc: Dùng khi bệnh sởi chưa mọc, phát ban, mụn nhọt.
Bài 1: Thang Tân lương thấu chẩn: Ngưu bàng tử 16g, kinh giới tuệ 8g, cát căn 12g, bạc hà 4g, liên kiều 12g, tiền hồ 8g, cát cánh 8g, hạnh nhân 12g. Sắc uống.
Bài 2: Ngưu bàng tử 8g, cát cánh 6g, kinh giới tuệ 6g, cam thảo 3g; sắc uống trong ngày. Nếu đậu chẩn đã mọc vẫn uống được nhưng không dùng cho người bị đại tiện lỏng, tỳ vị hư hàn.
Mát họng, giảm đau: Dùng khi phong nhiệt sinh ra viêm hạnh nhân, viêm yết hầu.
Thang Ngưu bàng: Ngưu bàng tử 16g, đại hoàng 12g, phòng phong 12g, bạc hà 4g, kinh giới tuệ 8g, cam thảo 4g. Sắc uống.
– Gà hầm ngưu bàng căn: Dùng cho các trường hợp cơ thể suy nhược, hai chân yếu mỏi.
– Bánh bột ngưu bàng: Ngưu bàng căn 15g tán mịn, bột gạo tẻ 80g thêm nước trộn đều nặn thành bánh bột, thả vào nước đậu phụ nấu, thêm hành, tiêu, gia vị, ăn khi đói. Dùng cho các bệnh nhân cao tuổi có biểu hiện tăng áp, di chứng tai biến mạch máu não, hoặc nghẽn mạch tạm thời liệt mặt, động kinh máy giật vùng mặt mắt.
– Canh dưỡng sinh gồm: Ngưu bàng căn, cà rốt, nấm đông khô được coi là thuốc chữa bách bệnh, có khả năng ngăn ngừa và trị một số bệnh ung thư; mỗi ngày dùng khoảng 30g ngưu bàng căn. Cuống lá và thân cây dùng cho bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường do có tác dụng hạ glucose máu và tăng lượng glycogen trong gan.
Theo Phòng khám Đông Y Nguyễn Hữu Toàn.
Nếu bạn hoặc người thân đang gặp vấn đề sức khỏe, hoặc muốn được tư vấn về bệnh, về chế độ ăn uống, có thể liên hệ trực tiếp theo Hotline: 18006834 (Miễn Phí)
Hỏi đáp trực tuyến